Ghi nhận vào lúc 10h ngày 10/6 (theo giờ Việt Nam), giá thép giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm xuống mức 4.779 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát. Cùng với đó, giá thép trong nước tiếp tục hạ nhiệt.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/6, giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Đại Liên (DCE) và Sàn giao dịch Singapore (SGX) đồng loạt đi xuống, Reuters đưa tin.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các nhà giao dịch tiếp tục lo lắng về lợi nhuận yếu tại các nhà máy thép Trung Quốc, với cảnh báo COVID-19 mới ở Thượng Hải và Bắc Kinh làm sâu sắc thêm mối lo này.
Theo đó, giá quặng sắt chuẩn DCIOcv1 giao tháng 9/2022 trên Sàn DCE của Trung Quốc kết thúc giao dịch ban ngày thấp hơn 0,3% ở mức 924,50 nhân dân tệ/tấn (tương đương 138,33 USD/tấn), kéo dài đà giảm sang ngày thứ ba.
Tương tự, hợp đồng quặng sắt SZZFN2 giao tháng 7/2022, được giao dịch tích cực nhất trên Sàn giao dịch Singapore (SGX), giảm 0,8% xuống 143,65 USD/tấn trong cùng ngày.
So với mức thấp 779,50 nhân dân tệ/tấn của năm nay đạt được vào ngày 10/5, giá quặng sắt Đại Liên đã tăng trở lại 19% tính đến thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, dữ liệu tư vấn của SteelHome cho thấy, giá quặng sắt giao ngay 62% Fe tiêu chuẩn đã tăng lên 147,50 USD/tấn vào hôm thứ Tư (8/6), cao nhất trong gần 7 tuần.
Các nhà phân tích của Sinosteel Futures cho biết: “Nhu cầu quặng sắt ngắn hạn đã tăng hơn dự kiến, nhưng lợi nhuận của các nhà máy thép ở hạ nguồn lại yếu. Giá quặng sắt tăng cao đã làm giảm biên lợi nhuận của thép”.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, giá quặng sắt hiện có tiềm năng tăng hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu khá lạc quan khi Trung Quốc quyết tâm giảm sản lượng hơn nữa trong năm nay để hạn chế phát thải.
Tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp thép hạ giá sản phẩm thép từ chiều 6/6 và là lần giảm thứ 5 liên tiếp trong hơn 3 tuần. Tính từ ngày 11/5, đây là lần giảm thứ năm liên tiếp của giá thép trong nước với tổng mức giảm hơn 2 triệu đồng/tấn.
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép CB240 và D10 CB300, xuống còn 16,95 triệu đồng/tấn và 17,51 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, giá hai loại thép CB240 và D10 CB300 cũng giảm 300.000 đồng/tấn, xuống còn 16,95 triệu đồng/tấn và 17,41 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng điều chỉnh giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn với 2 loại thép CB240 và D10 CB300 xuống còn 16,92 triệu đồng/tấn và 17,42 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm giá bán dòng thép cuộn CB240 giảm 300.000 đồng/tấn xuống mức 16,82 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310.000 đồng/tấn có giá bán 17,47 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Nhật điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 ở mức 16,87 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm còn 17,07 triệu đồng/tấn. Thép Việt Sing tiến hành giảm 310.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, xuống mức 17 triệu đồng/tấn; dòng thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310.000 đồng/tấn, có giá 17,2 triệu đồng/tấn.
Thép miền Nam cũng giảm mức ứng đối với hai loại thép trên, kéo giá CB240 và CB300 còn 17,36 triệu đồng/tấn và 17,76 triệu đồng/tấn. Thép Pomina tiến hành giảm 300.000 đồng/tấn đối với cả 2 loại thép CB240 và CB300, giá bán còn 17,76 triệu đồng/tấn và 17,96 triệu đồng/tấn.
Giá thép thanh vằn liên tục đi xuống từ đầu tháng 5, sau đó hồi phục vào cuối tháng và giảm trở lại ngày 8/6. Về thép không gỉ, giảm là xu hướng chủ đạo của loại thép này từ cuối tháng 3 và hiện giá mặt hàng này hạ 8% so với đỉnh.
Các chuyên gia cho rằng tốc độ phục hồi vẫn còn chậm và nhu cầu thép có thể sẽ tiếp tục mờ nhạt cho đến khi sản xuất chế tạo có thể trở lại bình thường.
Nguyên nhân khiến giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống trong thời gian gần đây. Giá nguyên vật liệu trong sản xuất thép liên tục giảm từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường thép chững lại.
Sản lượng bán hàng thép các loại chỉ đạt hơn 2,4 triệu tấn, giảm 22,52% so với tháng 3 và giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Và lượng xuất khẩu cũng sụt mạnh tới 44% so với tháng 3 và chỉ tăng nhẹ gần 5% so với năm 2021.
Báo cáo của VSA cho thấy, sản xuất thép thành phẩm 4 tháng đầu năm đạt 11,43 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 10,55 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung quý I, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 3 triệu tấn với trị giá hơn 3,1 tỷ USD, giảm 18,04% về lượng nhưng tăng 18,84% về giá trị. Thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn, đưa sản lượng tiêu thụ thép tăng mạnh, nhiều khả năng tác động lên giá thép.
Trước đó lý giải việc tăng giá thép, Bộ Công Thương cho rằng, việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà là tăng giá trên toàn thế giới. Do các nhà máy sản xuất thép trong nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên việc tăng giá bán các sản phẩm thép là không thể tránh khỏi.
Nguồn tin: Kinh tế chứng khoán
Bài viết liên quan