Sự khác biệt chính giữa thép cán nóng và cán nguội nằm quy trình sản xuất. Cán nóng là quá trình chế biến thép được thực hiện bằng nhiệt. Cán nguội là các quy trình được thực hiện ở nhiệt độ phòng.
Thép cuộn cán nóng HRC là gì?
Thép cuộn cán nóng HRC (viết tắt của hot rolled coil) là loại thép tấm dạng cuộn và được sản xuất với phương pháp cán nóng trong điều kiện nhiệt độ lên đến 1.000 độ C. Loại thép nguyên liệu này được sản xuất với nhiều độ dày khác nhau, khổ rộng thường là 1500mm hoặc 2000mm.
Các cạnh bên của thép HRC cũng xù xì, không sắc mép, gọn gàng. Đối với các sản phẩm thép cuộn cán nóng được sản xuất trong nước, bề mặt sẽ có màu xanh xám và sau đó có thể chuyển sang màu nâu sẫm.
Tương tự, với loại thép HRC được nhập khẩu từ các nước khác thì bề mặt sản phẩm thường sẽ có màu vàng do bị ảnh hưởng bởi hơi nước biển.
Thép cuộn cán nóng HRC là nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất ống thép, tôn mạ, gia công sản phẩm cơ khí, thép hình
Ngày nay, ứng dụng lớn nhất của thép cuộn cán nóng HRC là sử dụng để cán thép ống và thép hộp, sản xuất tôn lợp nhà. Bên cạnh đó, một số ứng dụng khác của thép HRC như ứng dụng để làm bồn bể, để trải sàn hay để ứng dụng chế tạo đường ray xe lửa…
Đặc biệt, thép HRC còn được sử dụng trong ngành sản xuất ô tô. Cụ thể, khung và sàn xe ô tô đều được làm từ thép tấm cán nóng. Nhưng trước khi đưa vào sử dụng, tấm thép HRC sẽ được sơn chống gỉ và sơn màu cho sản phẩm.
Sản xuất thép cuộn cán nóng HRC như thế nào?
Khác với công nghệ sản xuất thép phổ biến tại các nhà máy thép trong nước như hiện nay là sử dụng lò điện hồ quang (EAF) hoặc lò cảm ứng (IF) để xử lý thép phế liệu phôi vuông và cán ra thành phẩm, việc sản xuất thép cuộn cán nóng HRC phức tạp hơn rất nhiều.
Thông thường, để tạo ra được sản phẩm thép, có thể đi từ 2 nguyên liệu là quặng sắt hoặc thép phế liệu. Theo đó, phế liệu sau khi được phân loại, xử lý sẽ được nạp vào lò điện hồ quang hoặc lò cảm ứng để luyện thành phôi vuông và cán ra thành phẩm cuối cùng.
Quy trình sản xuất thép HRC
Sản xuất thép cuộn cán nóng HRC từ nguyên liệu chính là quặng sắt và sử dụng lò cao
Đầu tiên, nguyên liệu đầu vào là quặng sắt với hàm lượng và kích cỡ khác nhau được phối trộn theo tỉ lệ yêu cầu, kết hợp với than coke, vôi và dôlômit được đưa vào lò cao luyện ra gang lỏng.
Tiếp theo, nước gang được chuyển sang lò thổi oxy (BOF), lò tinh luyện để tạo ra các mác thép theo yêu cầu của thị trường, thông qua hệ thống máy đúc đúc ra các loại phôi thép thô bán thành phẩm.
Cuối cùng, tại nhà máy cán thép, phôi vuông sẽ được cán ra thép xây dựng thành phẩm gồm thép thanh vằn và thép cuộn. Tương tự, phôi thép dẹp có kích thước lớn hơn billet, có tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật. Loại phôi này sau đó sẽ cán ra thép cuộn cán nóng HRC.
Hiện nay, các thành tố lò cao, lò thổi, lò điện, đúc, cán chính là công nghệ để sản xuất HRC. Các công nghệ này phổ biến trên thế giới, có nguồn gốc từ châu Âu và có quy chuẩn chung trong phương pháp vận hành.
Hiện nay, tại Việt Nam đa phần các nhà máy đều sản xuất thép từ thép phế liệu do công nghệ đơn giản, mức đầu tư vốn, công nghệ, máy móc… yêu cầu thấp hơn.
Ưu điểm của thép cuộn cán nóng HRC
Thép cuộn cán nóng HRC có độ bền cao, độ mềm dẻo tốt. Hiện tại, nguyên liệu này có nhiều mác thép khác nhau. Một số ưu điểm nổi bật của thép cuộn cán nóng HRC đó là:
- Độ bền khá cao, không biến dạng khi bị va đập mạnh
- Độ mềm dẻo tốt
- Những yếu tố hóa học, tự nhiên ngoài môi trường không thể ăn mòn sản phẩm
- Thép được cuộn lại khi hoàn thành để giảm giá vận chuyển
Phân biệt thép cuộn cán nóng – cán nguội
Trước tiên, sự khác biệt chính giữa thép cán nóng và cán nguội nằm quy trình sản xuất. Theo đó, cán nóng là quá trình chế biến thép được thực hiện bằng nhiệt. Cán nguội là các quy trình được thực hiện ở hoặc gần nhiệt độ phòng.
TIÊU CHÍ SO SÁNH | THÉP CUỘN CÁN NÓNG | THÉP CUỘN CÁN NGUỘI |
Bề mặt | Xanh đen, tối đặc trưng | Trắng sáng, có độ bóng cao |
Độ dày thông thường | 0.9mm trở lên | 0.15mm-2mm |
Về dung sai | Dung sai lớn hơn do quá trình sản xuất, nhiệt độ đang nóng tự nguội đi nên thép tự biến dạng và không thể kiểm soát được | Dung sai nhỏ hơn do nhiệt độ suốt quá trình giảm và có sự kiểm soát chặt chẽ cũng như tác động của dung dịch làm mát |
Độ chính xác | Độ chính xác không cao bằng thép cuộn cán nguội | Do trải qua quá trình làm nguội nên kích thước thành phẩm chính xác hơn |
Mép biên | Hai bên cuộn thường bo tròn, xù xì, biến màu rỉ sét khi để lâu | Thường được xén biên thẳng và sắc mép |
Đặc tính vật lý | Thép cán nóng yếu hơn thép cán nguội. Điều này là do nhiệt được áp dụng, làm yếu kim loại trước khi nó nguội trở lại | Thép cán nguội thường cứng hơn và mạnh hơn thép cán nóng tiêu chuẩn |
Giá bán | Thép cán nóng thường yêu cầu gia công ít hơn nhiều so với thép cán nguội, điều này làm cho nó rẻ hơn rất nhiều. | Do phải gia công thêm cho thành phẩm nguội nên chúng có giá cao hơn |
Tổng quan về thị trường thép cuộn cán nóng
Hiện nay, thép cuộn cán nóng HRC là nguyên liệu đầu vào quan trọng của những doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép trong nước như Hoa Sen hay Nam Kim. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này hiện vẫn chủ yếu phụ thuộc nguồn nguyên liệu bên ngoài do không tự sản xuất được.
Tại Việt Nam hiện nay mới chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất được thép cuộn cán nóng HRC là Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2021, Hoà Phát và Formosa tiêu thụ được gần 7,13 triệu tấn thép HRC, tăng gần gấp đôi so với năm 2020.
Trong khi đó, nhu cầu về mặt hàng này của Việt Nam khoảng 12-14 triệu tấn và tăng trưởng trung bình 10%/năm. Điều này đồng nghĩa với sản lượng hiện tại mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu trong nước.
Ngoài ra, nhu cầu từ ngành chế tạo là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, song năng lực sản xuất mặt hàng này ở trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, thép HCR sẽ vẫn mất cân đối cung – cầu trong thời gian tới do nhu cầu thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng.
Về lâu dài, để đảm bảo nhu cầu thép HRC và các loại thép hợp kim, thép chất lượng cao, trong nước cần tiếp tục thu hút và đầu tư một số nhà máy liên hợp sản xuất thép lớn để phục vụ nhu cầu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu.
Bài viết liên quan